Bệnh viên Âu Cơ

Thai nhi 9 tuần tuổi: Lời khuyên dành cho mẹ

Đăng ngày: 16-04-2019 09:16 am

Thai nhi 9 tuần tuổi: Lời khuyên dành cho mẹ
Sự phát triển của thai nhi 9 tuần tuổi
Thai nhi phát triển như thế nào?
Thai nhi 9 tuần tuổi có kích thước cỡ một quả nho, nặng khoảng 28g và dài gần 2,54 cm.
Đuôi cột sống của bé đã co rút lại và gần như biến mất vào tuần thứ 9. Ngược lại, đầu của bé đã dần phát triển và khá lớn so với phần còn lại của cơ thể. Trong tuần thai thứ 9, phần đầu của bé nặng khoảng 3g. Chóp mũi nhỏ xíu lúc này đã phát triển và có thể được nhìn thấy trong phim chụp, phần da trên mắt bé cũng đang bắt đầu hình thành mí mắt. Mẹ sẽ có thể nhìn thấy mí mắt bé rõ ràng hơn khi đi siêu âm trong vài tuần tới.
Hệ thống tiêu hóa của bé tiếp tục phát triển, ruột phát triển dài hơn và hậu môn của bé dần hình thành. Ngoài ra, các cơ quan sinh sản (tinh hoàn hoặc buồng trứng) cũng sẽ bắt đầu hình thành trong tuần này.
Bởi cơ bắp đã phát triển nên bé có thể thực hiện một số cử động đầu tiên trong tuần thai thứ 9. Tuy vậy, mẹ không thể cảm nhận được những cử động ấy trực tiếp qua bụng mà chỉ có thể nhìn thấy khi đi siêu âm mà thôi.
Sự thay đổi trên cơ thể của mẹ ở tuần thai thứ 9
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?
Khi lượng máu trong cơ thể tiếp tục tăng lên, mẹ có thể bị chóng mặt, đi tiểu thường xuyên và bị phồng tĩnh mạch trên bàn tay, bàn chân hoặc bị chảy máu mũi. Nhưng lượng máu dư thừa này xuất hiện vì những lý do chính đáng: chúng sẽ giúp bảo vệ bé khi mẹ đứng lên hoặc nằm xuống và giúp bù lại lượng máu sẽ mất trong quá trình chuyển dạ và sinh con. Chảy máu âm đạo có thể xảy ra trong ba tháng thai kỳ đầu tiên và không nhất thiết là một hiện tượng đáng báo động. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu của có thai ngoài tử cung hoặc sẩy thai. Vì vậy, hãy đi khám bác sĩ ngay nếu phát hiện ra mình bị chảy máu.
Những điều mẹ cần lưu ý là gì?
Thời điểm nào là tốt nhất để mẹ có thể thông báo cho mọi người biết rằng mẹ có thai? Nhiều phụ nữ phải chờ đợi đến 4 tháng, lúc này thai đã ổn định và nguy cơ sẩy thai giảm đáng kể. Dưới đây là một số yếu tố để xem xét:
Mẹ có gặp bất kỳ biến chứng nào không? 
Nếu có, hãy thường xuyên đi khám bác sĩ hoặc hết sức cẩn thận nhé. Mẹ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều nếu nói sớm với đồng nghiệp về việc mang thai của mình.
Mẹ có hay bị ốm nghén không? 
Nếu mẹ bị buồn nôn gần như liên tục hoặc nôn mửa thường xuyên, mẹ sẽ phải nói với cấp trên về việc mang thai sớm hơn mẹ muốn.
Liệu công việc của mẹ có vất vả hoặc có tiềm ẩn nguy hiểm không? 
Vì lợi ích của bé và chính mẹ, có thể mẹ sẽ cần phải thư giãn đầu óc sớm, vậy nên hãy thông báo việc mẹ mang thai với đồng nghiệp ngay bây giờ. Điều này sẽ cho phép mẹ dần chuyển giao trách nhiệm công việc của mình mà không ảnh hưởng tới hoạt động của công ty.
Cấp trên và các đồng nghiệp của mẹ có hỗ trợ cho mẹ không? 
Điều này sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như văn hóa và chế độ thai sản nơi mẹ làm việc, công việc có bị ảnh hưởng nếu mẹ mang thai hay không và mối quan hệ của mẹ với cấp trên như thế nào. Nếu mọi yếu tố đều thuận lợi, mẹ hãy yên tâm công tác và chuẩn bị chào đón thiên thần nhỏ của mình.
Tuy nhiên, thật không may là một số nhà tuyển dụng lại ít khi thông cảm khi biết được rằng nhân viên của mình mang thai. Nếu mẹ lo ngại về phản ứng của cấp trên, hãy thật thận trọng và kiên nhẫn chờ đợi. Khi cơ thể mẹ đã bắt đầu thể hiện các dấu hiệu của mang thai một cách rõ ràng, nhất là khi thai nhi được 9 tuần tuổi, đó chính là lúc mẹ nên thông báo cho cấp trên. Mẹ cũng có thể tiếp cận những đồng nghiệp từng mang thai và hỏi về cách cấp trên đối đãi khi biết được tin cấp dưới của mình mang thai.
Lời khuyên của bác sĩ về thai kỳ 9 tuần
Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?
Tuần 9 của thai kỳ, một số phụ nữ sẽ bị những cơn đau nửa đầu tấn công thường xuyên hơn trong suốt các giai đoạn hình thành và phát triển của thai nhi. Những phụ nữ may mắn hơn sẽ gặp triệu chứng này ít hơn, thậm chí một số người bị đau nửa đầu thường xuyên trong khi một số khác thì không bao giờ bị dù chỉ một lần. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân tại sao điều này lại xảy ra. Nếu mẹ đã từng bị chứng đau nửa đầu, hãy tham khảo với bác sĩ về loại thuốc trị chứng đau nửa đầu an toàn cho thai kỳ trong khi mẹ đang mang thai tuần thai thứ 9.
Hãy tìm cách ngăn ngừa căn bệnh này. Nếu mẹ biết nguyên nhân dẫn đến những cơn nửa đầu của mình, hãy cố gắng tránh chúng. Căng thẳng, sô-cô-la, pho mát và cà phê là những nguyên nhân phổ biến. Hãy cố gắng xác định bất cứ điều gì có thể để sớm ngăn chặn cơn đau nửa đầu khi những dấu hiệu cảnh báo xảy ra.
Những xét nghiệm nào mẹ cần biết?
Nhiễm khuẩn âm đạo là một bệnh nhiễm trùng đường sinh dục gây ra bởi sự phát triển quá mức của vi khuẩn sống trong một số rãnh nhỏ tại âm đạo. Mẹ có thể không có triệu chứng khi bị nhiễm khuẩn âm đạo. Nếu có, mẹ có thể thấy có chất váng mỏng màu trắng hoặc xám, có mùi hôi hoặc tanh chảy ra từ âm đạo. Mùi này thường xuất hiện sau khi quan hệ tình dục. Mẹ cũng có thể bị kích ứng hay ngứa quanh âm đạo và âm hộ, mặc dù ít nhất một nửa số phụ nữ bị nhiễm khuẩn âm đạo sẽ không có bất cứ triệu chứng nào.
Nhiễm khuẩn âm đạo sẽ làm tăng nguy cơ sinh non và vỡ non màng ối bao quanh em bé. Vậy nên nếu mẹ có những triệu chứng của nhiễm khuẩn âm đạo hoặc có nguy cơ sinh non, hãy thông báo cho bác sĩ để được kiểm tra và chữa trị bằng kháng sinh nếu kết quả của mẹ là dương tính.
Sức khỏe của mẹ và thai nhi ở tuần 9
Mẹ cần biết những gì để đảm bảo an toàn trong thai kỳ?
1. Bình xịt kiến hoặc gián
Hầu hết những chất trong bình xịt kiến hoặc gián là thuốc trừ sâu và hóa chất. Tuy vậy, các nhà khoa học lại không có dữ liệu thử nghiệm chúng trên phụ nữ mang thai, vậy nên rất khó để kết luận rằng chúng độc hại nếu chỉ dựa vào các nghiên cứu trên động vật. Các loại thuốc trừ sâu độc hại nhất mà các nhà khoa học lo ngại hiện đã không còn được sử dụng, nhưng chúng ta biết rất ít về những loại thuốc đang được bày bán hiện nay. Tốt nhất, mẹ nên hạn chế sử dụng bình xịt côn trùng trong thời gian mang thai tuần thứ 9.
2. Xông hương trong nhà
Tương tự như vậy, các nhà khoa học cũng biết rất ít về tác hại của xông hương lên thai phụ. Vậy nên sau khi nhà mẹ được xông hương, hãy lánh ra ngoài trong khoảng thời gian lâu gấp đôi thời gian khuyến cáo của nhà sản xuất để phòng ngừa những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nhé.
3. Trà thảo dược 
Nhìn chung, không có bất cứ bằng chứng nào khẳng định được rằng uống trà thảo dược là không an toàn. Tuy vậy, mẹ nên chú ý tránh các loại trà có chứa các thành phần có tác dụng dược lý (có gây ảnh hưởng đến cơ thể của mẹ). Mẹ bầu tuần 9 cũng nên tránh xa các loại trà có thể kích thích các cơn co thắt tử cung hoặc kinh nguyệt, chẳng như cây cohosh đen hoặc xanh (một loại thảo mộc trong họ mao hương hoa vàng thuộc họ Ranunculacea).